0913388111

Bảo Tàng Đồng Quê – Nơi Lưu Giữ Kỉ Niệm Nông Thôn Miền Quê Bắc Bộ

Bảo tàng đồng quê Nam Định

Nằm yên bình giữa những xóm làng đơn sơ của mảnh đất Nam Định, bảo tàng đồng quê thuộc thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, Nam Định là một trong những bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam lưu giữ những nét văn hóa của nông thôn miền quê Bắc bộ, mang giá trị to lớn và ngày càng trở thành một điểm đến không thể thiếu trong những chuyến du lịch sinh thái ở Nam Định.

Lịch sử thành lập

Chủ nhân của bảo tàng độc đáo này là bà Ngô Thị Khiếu, một giáo viên về hưu và chồng bà là thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền. Chuyện bắt đầu từ việc một lần cô Khiếu tình cờ nhìn thấy mấy chị đồng nát đang cố gắng đập bẹp những chiếc nồi đồng, mâm đồng để đem bán đồng nát. Cảm thấy tiếc vì những chiếc nồi, mâm bằng đồng kia đều từng là ước mơ của mọi người nông dân làng quê một thời, mang nhiều kỉ niệm, cô dốc túi mua hết số đồ dùng bằng đồng đó mang về. Đam mê sưu tầm những đồ vật cổ của nông thôn miền quê trong người cô cũng lớn dần lên từ đó.
Tiếp theo là vào năm 2010 khi vợ chồng cô được mời về quê dự lễ khánh thành một trường mầm non ở xã Giao Thịnh.Thấy cơ sở vật chất của các trường ở xã còn khó khăn, cũng như chưa có khu vui chơi và sinh hoạt văn hoá, ông bà nảy sinh ý tưởng mở một thư viện nhỏ ở đây. Lúc này bà mới nghĩ đến việc sẽ trưng bày thêm cả những hiện vật đồng quê mà bà mất hàng chục năm tìm kiếm, sưu tầm từ trước đó nữa.
Khi trình bày ý tưởng với lãnh đạo của xã và chính quyền địa phương, ông bà không ngờ ý tưởng đó được chính quyền ủng hộ nhiệt tình. Chính quyền cho ông bà thuê 6.000m² đất với giá ưu đãi trong 30 năm để xây dựng bảo tàng. Năm 2011 công trình được khởi công, đưa vào sử dụng từ năm 2012 và đến năm 2015 bảo tàng hoàn thiện tất cả các hạng mục.
Trong quá trình xây dựng bảo tàng, người nhà giáo có tâm này đã phải tìm hiểu thêm rất nhiều về lịch sử dân tộc, tham khảo ý kiến của nhiều người làm công tác lịch sử tại địa phương,…Và điều đặc biệt nhất là bảo tàng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân vì ý nghĩa nhân văn của mình, ban đầu nhiều người cũng không muốn trao hiện vật vì nghi ngờ mục đích của cô Khiếu nhưng khi tận mắt nhìn thấy bảo tàng thì ai cũng đông ý và chủ động tặng.

Các khu vực trưng bày tham quan

Bảo tàng Đồng Quê được xây trên diện tích hơn 6.000m2, được trưng bày với ba nội dung chính: khu trưng bày trong nhà, khu trưng bày ngoài trời, khu văn hoá ẩm thực đồng quê.

Khu trưng bày ngoài trời

Khu vực ngoài trời bảo tàng Nam Định

Khu ngoài trời tái hiện các mô hình nhà ở của cư dân vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ gắn với quá trình phát triển nông thôn Việt Nam xưa kia.
Đó là mẫu nhà tranh vách đất lợp rạ của bần cố nông, tường trình đất những năm 30, 50 của thế kỷ trước, đồng thời cũng là nơi để các dụng cụ lao động như cày, bừa, cuốc, thuổng, có cối xay, cối giã gạo, bếp tro…
Ngôi nhà thứ hai là tái hiện loại nhà trung nông, tường xây luồn gianh lợp cói, đồng thời sẽ là nơi dệt chiếu, trưng bày cảnh sinh hoạt của nông dân tầng lớp trung nông.
Ngôi nhà thứ ba là loại nhà địa chủ, nhà ngói gỗ lim, trưng bày các vật dụng sinh hoạt của gia đình địa chủ, những cối đá để lăn thóc, xay thóc ngày xưa, những chiếc chum đựng nước, đựng rượu,….
Ngôi nhà thứ tư là loại nhà gác tường vào những năm 60 làng quê với cây cau, cây sung,..
Không gian bên ngoài tràn ngập màu xanh của hàng trăm loại cây cối, trong đó có nhiều loại cây quý hiếm như cây chay, cây sắn thuyền, cây cậy, cây dành dành, cây vối,…những loại cây, hoa mang đậm phong thái làng quê như giàn hoa giấy trước nhà, giàn bầu, cây hồ lô, hàng cau, tất cả đều tạo nên sự gần gũi với mỗi con người thôn quê. Ngoài ra, trong khu vực Bảo tàng còn có hồ, vó kéo cá, có mảnh ruộng lúa nước.

Lại nói về hoa giấy, nếu như bạn là một người yêu thiên nhiên, yêu cái vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng không kém cạnh về sắc đẹp, đừng ngại ngần, hãy tìm ngay cho mình địa chỉ bán cây hoa giấy để tô điểm cho không gian sống của mình. Biết đâu, chính điều đó sẽ luôn gợi nhớ về Bảo Tàng Đồng Quê?

Khu trưng bày trong nhà

Khu vực trong nhà bảo tàng Nam Định

Điểm nhấn của bảo tàng là khu nhà trưng bày xây 4 tầng nằm giữa bảo tàng.

Tầng 1 là khu trưng bày có vẻ không liên quan lắm đến “đồng quê”. Đây là nơi lưu giữ kỷ vật chiến trường của Thiếu tướng Hoàng Kiền và nhiều tư liệu quý về Quân đội nhân dân Việt Nam. Chính giữa tầng 1 là nơi thờ tự Bác Hồ với bức tượng đồng chân dung Bác đang chỉ tay vào lá quân kỳ “Quyết chiến – Quyết thắng”. Hiện vật tại đây được bố trí độc lập, chia ra các nhiều chủ đề… Độc đáo và quý nhất chính là những hiện vật, bức ảnh về quá trình xây dựng quần đảo Trường Sa của những người con Nam Định.
Ở tầng 2 và tầng 3 trưng bày hàng nghìn hiện vật đặc trưng cho vùng Bắc bộ bao gồm công cụ lao động trong sản xuất nông nghiệp, nghề biển, nghề muối; dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng… trong đó tầng 2 là tầng trưng bày chính của bảo tàng đồng quê. Chủ đề chính ở đây là cây lúa với Đồng bằng bắc bộ. Các hiện vật ở đây chủ yếu là các nông cụ liên quan đến nghề trồng lúa và cuộc sống sinh hoạt của người dân thôn quê.
Đây là các nông cụ đã qua sản xuất, đã gắn bó với đời sống ông cha, như là bô sưu tập về các nông cụ làm đất, đồ dùng tát nước, rồi các nông cụ chăm sóc lúa, các nông cụ thu hoạch, chế biến lúa, các đồ dùng nhóm lửa, ăn trầu, và thể hiện đời sống của họ rõ nhất qua gian bếp. Có khoảng 700 chiếc nồi, mâm, chậu, sanh đồng; hơn 100 chiếc đèn dầu, hơn một tạ tiền xu các loại, 2kg tiền giấy Đông Dương…

Tầng 4 là thư viện thu nhỏ với hơn 1.000 đầu sách ở những lĩnh vực khác nhau, nhiều sách quý được xuất bản từ trước năm 1945 mà nhiều thư viện không có. Đây là nơi bảo tàng sử dụng làm không gian sinh hoạt văn hoá cho bà con địa phương

Khu văn hóa ẩm thực đồng quê

Khu ẩm thực đồng quê Nam Định

Bên cạnh việc thăm thú không gian cổ xưa của làng quê Bắc Bộ, đến với Bảo tàng Đồng quê, chúng ta còn được thưởng thức những món quà, nhiều món ăn, đồ uống… được chính những người nông dân làm ra hoàn toàn thủ công ngay tại chỗ như miến dong, bánh gai, gói xôi, nấu rượu, làm tương…Với các em nhỏ khi tham quan Bảo tàng đồng quê còn được tham gia trải nghiệm, làm bánh trôi, bánh gai, tự tay làm công việc của nhà nông như trồng rau, bắt cá hay xay thóc giã gạo.
Trong bảo tàng trồng các loại loại rau, nuôi cá, nuôi gà, nuôi lợn để có nguồn thực phẩm sạch, chế biến thành các món ăn dân dã, phục vụ du khách. Đặc biệt, du khách được tham gia trực tiếp vào các công đoạn chế biến, khiến họ trân trọng hơn những sản phẩm nông nghiệp, những món ăn mà người nông dân kì công tạo nên, trân trọng nét đặc sắc văn hóa của người dân miền quê.

Ý Nghĩa về bảo tồn và phát triển

Là một trong số hiếm hoi bảo tàng về văn hoá Đồng quê mà lại do tư nhân thành lập, nơi đây tái hiện lại cuộc sống lao động, sinh hoạt của các tầng lớp dân cư vùng đồng bằng Bắc Bộ từ xưa đến nay với nhiều hiện vật đơn sơ nhưng rất đa dạng, phong phú. Không chỉ có giá trị bảo vệ, bảo tồn văn hóa dân tộc, nơi đây còn mang giá trị giáo dục cho thế hệ trẻ về nguồn gốc của quê hương, thêm tự hào về truyền thống cha ông, những điều vô giá mà khó có thể tìm kiếm được ở nơi nào khác.
Bảo tàng hiện nay đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, nhà hàng, khách sạn trong khu vực nên việc tới thăm nơi đây sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Với hiện vật phong phú, cách thức tổ chức chuyên nghiệp, Bảo tàng đồng quê ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm văn hóa đồng bằng Bắc bộ. Nơi đây thực sự là điểm đến mà chắc chắn bạn phải đến thăm trong chuyến đi du khảo đồng quê của mình. Hãy cùng Ecohost lên đường về Nam Định ngay thôi nào !!