Bạn đã bao giờ nghe đến việc ở một làng quê nông thôn Việt Nam có một cây kèn khổng lồ dài hơn 5m và nặng hàng vài trăm kg, có thể thổi được như kèn bình thường với âm thanh vang vọng khắp xóm làng, đạt kỉ lục chiếc kèn lớn nhất Việt Nam chưa, nếu chưa thì bài viết này là dành cho bạn đó. Hãy cùng theo chân Ecohost với chuyến du lịch sinh thái về vùng quê Nam Định yên bình để khám phá những câu chuyện thú vị về chiếc kèn siêu khổng lồ này.
Có Gì Thú Vị Ở Cây Kèn Thuộc “Hạng Khủng” Này?
Ai trong chúng ta cũng biết Nam Định là địa phương giàu truyền thống Công Giáo. Vì đây là nơi đầu tiên mà đạo Công Giáo được truyền bá vào Việt Nam. Đặc biệt Giáo phận Bùi Chu là một trong những giáo phận lớn của cả nước, là trung tâm Công Giáo của vùng.
Một điều thú vị đó là kèn đồng là một trong những loại nhạc cụ phổ biến, âm thanh hay nhất và phù hợp nhất trong việc phục vụ và cử hành các nghi thức, nghi lễ tôn giáo. Thế nên truyền thống làm kèn, chơi kèn ở đây phát triển mạnh mẽ, với những làng kèn đồng nổi tiếng, những dàn nhạc hùng hậu với hàng trăm, nghìn nhạc công.Từ trẻ con đến người lớn, tất cả đều chung một tình yêu, niềm đam mê với những cây kèn đồng các loại,…
Và tất cả những điều đó được gói gọn trong một món bảo vật mà nổi tiếng khắp mọi miền, ai cũng biết tới, đó là chiếc kèn đồng khổng lồ được đặt trong khuân viên của tòa giám mục Bùi Chu (Bùi Chu, Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định), trung tâm của giáo phận. Kèn thuộc loại kèn trumpet, có độ dài 5.5m, nặng tới 300kg, chiếc loa kèn cũng có đường kính 1.25m cùng với bộ hơi lớn hơn 0.6m, lớn gấp khoảng 100 lần chiếc kèn bình thường và thực sự là kì công.
Điều đặc biệt là tuy có kích cỡ khủng, chiếc kèn này vẫn thổi được (qua một búp kèn nhỏ nằm phía trong búp kèn lớn), nhưng phải là người thật khỏe, nhiều hơi mới có thể thổi được chiếc kèn này. Âm thanh phát ra từ chiếc kèn không thánh thót như những chiếc trumpet bình thường mà như tiếng sấm vọng, khi nhấn nút thì âm điệu lại như tiếng hổ gầm vang xa đến hàng cây số…Đây được coi như chiếc kèn kỷ lục Việt Nam nhưng xem ra trên thế giới cũng hiếm có nơi nào có chiếc kèn khổng lồ đến như vậy.
Câu Chuyện Đằng Sau Cây Kèn Lớn Nhât Việt Nam & Những Người Nghệ Nhân
Câu chuyện với nghề kèn của nghệ nhân Đinh Văn Mạnh
Khi nhắc đến chiếc kèn khổng lồ, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nghệ nhân Đinh Văn Mạnh (ngụ tại xóm 3, xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường), cha đẻ của tuyệt tác này.
Sinh ở làng nghề Kiên Lao với nhiều nghề nổi tiếng như làm mộc, cơ khí, làm đồ đồng, bản thân gia đình ông Mạnh cũng có xưởng chế tác đồng gia truyền. Từ khi còn bé ông đã được làm quen với những cây kèn và học hỏi được rất nhiều từ các nhạc công chơi kèn. Với niềm đam mê của mình, ông Mạnh đã chơi thông thạo được hầu hết các loại kèn đồng. Không dừng lại ở đó, bắt đầu từ năm 20 tuổi, sau khi tiếp quản xưởng chế tác đồng của ông cha để lại, ông Mạnh tự mình mày mò và thử học cách tự chế tạo ra một chiếc kèn đồng.
Ông mua nguyên liệu đồng về tự tay dát mỏng, tự tay vẽ các bản mẫu và làm thử. Tất cả các công đoạn làm kèn đều chủ yếu được ông làm bằng tay. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, nên ông gặp nhiều khó khăn và thất bại, lúc thì kèn không được đẹp, lúc thì bộ hơi không ra tiếng hoặc tậm tịt, phải trải qua nhiều chiếc kèn hỏng, tốn nhiều tiền của ông Mạnh mới thành công.
Làm được chiếc kèn đầu tiên khiến ông Mạnh rất phấn khởi, vui mừng sau bao ngày mong ước. Từ đó đến nay ông đã chế tạo được nhiều loại kèn đồng khác nhau. Nhiều người biết tiếng bắt đầu đến đặt ông làm kèn, dần dần những chiếc kèn của ông Mạnh đã trở nên nổi tiếng trong vùng.
Một điều đặc biệt của những chiếc kèn ông chế tạo ra đó là có giá rẻ hơn rất nhiều so với những chiếc kèn của phương tây mà chất lượng không hề thua kém, gần gũi với người dân quê, không phải đi xa để mua kèn mà có thể chọn cho mình những chiếc kèn ưng ý ngay tại đây.
Cơ duyên với cây kèn khổng lồ và quá trình chế tác
Vào năm 2004, sau nhiều năm gắn bó với nghề làm kèn, ông Mạnh nhận được một đơn hàng đặc biệt bởi một vị khách cũng đặc biệt không kém, đó là Giám mục Hoàng Văn Tiệm của Giáo phận Bùi Chu và món đơn hàng là một cây kèn Trumpet lớn gấp hàng trăm lần những cây kèn bình thường, với giá trị hợp đồng lên đến trăm triệu đồng…Vì biết đến tài năng của ông Mạnh nên người đứng đầu Giáo phận này đã quyết định đặt mua một chiếc kèn kỉ lục để mang về trưng bày trong khuân viên của tòa giám mục giáo phận.
Mặc dù bất ngờ và quá sửng sốt với đề nghị gần như không tưởng, ông Mạnh vẫn đồng ý vì bản thân ông luôn say mê sáng tạo, hơn nữa cũng là danh dự của ông, của làng nghề, của cả Giáo phận,…
Đây là một thử thách cực kì khó khăn với người nghệ nhân này, vì với cách làm thủ công, công nghệ còn lạc hậu,.. khó có thể làm được. Nhưng hai cha con, gồm nghệ nhân Đinh Văn Mạnh và con rể ông là anh Đinh Văn Hoà quyết tâm, đêm ngày nghĩ cho ra phương thức, đúc thân kèn và các tay ống kèn khổng lồ. Từ tính toán, vẽ phác thảo hình dáng, đặt số đo, kích thước của chiếc kèn, tự mình cất công đi đặt mua đồng về đến tiến hành chế tác,…
Sau 4 tháng thì tất cả những nỗ lực đã được đền đáp. Hai cha con cùng 3 người nghệ nhân khác đã hoàn thành chiếc kèn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công và phải mất tới hơn 300kg đồng với các công đoạn từ tán đồng, cuộn, hàn liền mối, lắp, tiện, đánh bóng… làm chủ yếu bằng tay. Chiếc kèn khổng lồ lớn gấp hơn 100 lần những chiếc kèn cùng loại bình thường khác, nhiều người ôm không xuể nhưng độ chính xác gần như tuyệt đối. Ông Mạnh chế tạo thêm một đầu thổi (búp kèn) nhỏ hơn ở phía trong đầu thổi khổng lồ để mọi người ai cũng có thể thử sức với cây kèn này.
Riêng phần làm bộ hơi hay còn gọi là bộ phiếm của kèn đồng là mất thời gian hơn cả, bởi đây là bộ phận quyết định âm thanh của kèn, chỉ cần bất cẩn là có thể “xôi hỏng bỏng không” và phải làm lại từ đầu. Vì vậy, người chế tạo bộ hơi ngoài đôi tay tài hoa còn phải có kiến thức về âm nhạc và quan trọng nhất là phải có đôi tai “đọc” được nhạc.
Chiếc kèn được hoàn thiện, được người dân khắp nơi biết đến và khen ngợi tài hoa của những người thợ. Kèn được di chuyển đến Tòa giám mục Bùi Chu, huyện Xuân Trường. và trưng bày ở đó cho đến hiện nay.
Giá trị của chiếc kèn kỉ lục
Chiếc kèn thuộc loại trumpet, là loại rất khó làm nhưng vẫn được những người nghệ nhân lựa chọn vì là loại phổ biến cũng như có dáng đẹp nhất trong các loại kèn. Nó không những thể hiện sự tài hoa sáng tạo của những con người nơi đây mà còn thể hiện truyền thống chơi kèn, truyền thống công giáo mạnh mẽ của cả vùng. Vì thế giá trị của nó không phải là con số gần 100 triệu đồng mà là vô giá, mang giá trị tinh thần to lớn.
Có một cha xứ người Pháp khi sang đây phải thốt lên, các giáo xứ ở Nam Định có hai cái nhất thế giới, một là đội kèn đông nhất thế giới và chiếc kèn trumpet lớn nhất thế giới. Đội kèn Hải Minh gồm 800 người, đông nhất thế giới thì đúng rồi, bởi chả có xứ nào mê kèn đến như vậy. Làng nghề Kiên Lao cùng với làng nghề Phạm Pháo là 2 làng nghề nổi tiếng nhất mảnh đất thành Nam về làm kèn và chơi kèn, làm rạng danh xứ đạo nơi đây.
Chiếc kèn kỉ lục vẫn đã và đang thu hút du khách và giáo dân mọi nơi đổ về để chiêm ngưỡng và trải nghiệm, thử sức với cây kèn có một không hai này. Và nếu bạn cũng yêu mến chiếc kèn cũng như yêu mến mảnh đất con người nơi đây, thì còn chần chừ gì nữa, cùng nhau về với Nam Định ngay thôi, và tòa Giám mục Bùi Chu cũng như chiếc kèn khổng lồ này là những gì bạn không thể bỏ lỡ trong chuyến hành trình đồng quê của mình.