0913388111

Đồng Muối Bạch Long – Vẻ Đẹp Giản Dị Của Thiên Nhiên

Dong mmuoi Bach Long trong chuyen du lich sinh thai

Là một trong những vựa muối lớn nhất của miền Bắc với diện tích làm muối lên đến 230 ha, cánh đồng muối Bạch Long ( xã Bạch Long, Giao Thủy) nổi tiếng với nghề muối phát triển lâu đời và vẻ đẹp của quang cảnh thiên nhiên cũng như con người lao động cần cù chịu khó ở nơi đây. Đây cũng là điểm đến thú vị mà chúng ta nên ghé thăm trong chuyến du khảo đồng quê Nam Định của mình.

Truyền thống làm muối tại địa phương

Nguoi dan lam muoi

Ai cũng biết muối là thứ không thể thiếu được trong cuộc sống con người. Trên thế giới muối được lấy ra từ các mỏ muối giống như những mỏ muối ở Peru, Ba Lan hay Iran hoặc lấy từ nước biển như ở Việt Nam. Nếu như ở miền Trung Và miền Nam Việt Nam muối được làm bằng phương pháp phơi nước thì muối ở miền Bắc được làm bằng phương pháp phơi cát. Và hãy cùng đến với đồng muối Bạch Long bạn sẽ có cảm giác rất thú vị và tuyệt vời khi được tìm hiểu những làng muối lâu đời với phương pháp này.
Vùng đồng muối này từ xa xưa vốn là vùng đất được bãi biển bồi thêm sau nhiều năm, người dân từ khắp nơi chuyển về sinh sống, lập làng, lập xã từ khi còn thực dân Pháp, đến nay đã trở thành vùng đất khá đông đúc trù phú.
Vì là vùng ven biển nên Bạch Long không trồng lúa nước như mọi vùng quê khác ở Việt Nam. Thay vì đó, với nguồn nước mặn dồi dào nên nghề muối đã phát triển ở đây từ hàng trăm năm nay. Xã Bạch Long cũng là xã độc canh sản xuất muối lớn nhất huyện Giao Thủy với tổng sản lượng muối hằng năm ước đạt hàng chục ngàn tấn.

Tìm hiểu các công đoạn làm muối của người “ diêm dân”

Vào những năm đầu của thế kỉ trước, khi thực dân Pháp còn đô hộ Việt Nam, họ tạo ra muối bằng cách đổ nước biển đã được lọc sạch vào nồi để đun, sau quá trình chưng cất mới tạo ra muối, chính vì vậy mà muối hồi đó rất quý và đắt, có thể so sánh với gạo. Người dân đã tìm ra cách tạo ra muối nhờ thiên nhiên và sức lao động của con người nên muối dần dần rẻ hơn.
Ngày trước, làm muối là công việc chính của người dân nơi đây, trẻ em nơi đây lớn lên trên cánh đồng muối cùng cha mẹ, ước mơ bay theo cánh diều của các em là ba mẹ mình có được một vụ mùa bội thu. Đến trẻ con 5 tuổi cũng theo cha mẹ ra đồng làm việc. Và nếu bạn có cơ hội được đến thăm nơi đây, chắc chắn bạn sẽ thấy bất ngờ về cách làm muối có một không hai này của những con người cần mẫn nơi đây.

Quy trình làm muối

Quy trinh lam muoi

Đồng muối cũng có cấu trúc khác với đồng ruộng bình thường. Ngoài kênh dẫn nước biển vào ruộng để làm muối thì còn có hệ thống sân phơi cát, sân phơi muối, bể và giếng lọc ( hay còn gọi “ chạt”) và cả lều cỏ để đựng muối thành phẩm nữa.
Quy trình làm muối gồm nhiều công đoạn. Đầu tiên người diêm dân phải trải đều một lớp cát mỏng ra ruộng, sau đó dẫn nước từ biển vào cho nước biển ngấm vào cát. Nắng sẽ làm nước bốc hơi và những hạt muối nhỏ li ti kết tinh trên cát. Sau đó tất cả cát được đưa vào bể chạt và lọc 2-3 lần bằng nước biển để thu được nước chạt ( có độ mặn gấp nhiều lần nước biển, sạch hơn và thu được nhiều muối hơn).

Nước chạt khi đó sẽ được phơi trên sân phơi riêng ( sân phẳng được làm từ vôi và tro bếp, chia thành nhiều ô nhỏ) nhiều giờ liên dưới ánh nắng gắt để kết tinh thành muối. Sau đó muối sẽ được cào và thu gom lại chở vào lều chứa, rồi đợi chở ra thuyền đem bán hoặc chở về nhà kho lớn để chứa.

Một ngày làm muối của người diêm dân vất vả như thế nào?

Nguoi dan tren canh dong muoi Bach Long

Người dân nơi đây thường làm muối theo từng ngày, từ sáng sớm đến chiều muộn là thu hoạch muối. Từ 4 – 5 giờ sáng, họ đã phải dậy sớm ra ruộng của nhà mình. Họ lấy cát trải đều ra ruộng để cho cát được khô và sạch, dẫn nước biển cho ngấm vào cát. Sau đó lấy nước chạt đã được lọc từ hôm trước cho lên sân phơi để làm muối.
Hoàn thành xong công việc họ trở về nhà làm những công việc thường ngày như ăn uống, chăm con cái. Phụ nữ thì chăm sóc vườn cây, cho lợn gà ăn; đàn ông thì đi đánh tôm, cá hoặc những công việc nặng khác để kiếm thêm thu nhập.
Buổi chiều, sau khi ăn cơm trưa xong, cả nhà lại cùng nhau ra đồng muối tiếp tục công việc. Họ vun cát vào thành hàng, sau đó họ dùng cái xe nhỏ được làm bằng gỗ và lạt để chở cát vào chạt và lọc để lấy nước cho ngày hôm sau. Lúc nay muối cũng đã bắt đầu được tạo thành, người dân dùng một dụng cụ sắc để cào muối trên sân và gom lại chở vào lều chứa cũng bằng chiếc xe trên.

Sau khi đã cất muối vào kho họ hoàn thành nốt các công việc còn lại như: múc cát ra khỏi “chạt” để chất thành đống cho hôm sau phơi, đổ nước để rửa sạch sân phơi, rửa sạch nông cụ,…thế là kết thúc công việc trong 1 ngày của người dân làm muối.

Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây

Nỗi niềm của những người diêm dân

Công việc làm muối của người dân nói chung vất vả, cơ cực, mất rất nhiều thời gian và công sức nhưng thu nhập không được là bao. Thu nhập mỗi tháng của họ chỉ khoảng 1,5 triệu đồng một tháng, đấy là khi trời nắng, còn nếu trời mưa hoặc bão thì không thể làm được. Hoặc khi muối mất giá chỉ còn dưới 1000đ / kg thì người nông dân thực sự thiệt thòi.
Mỗi năm, người dân ở đây chỉ có khoảng mấy tháng trời nắng để có thể làm muối đó là mùa thu và mùa hè, còn mùa đông và mùa xuân thì trời mưa, bão hoặc không nắng thì họ sẽ đi tìm những công việc khác. Thanh niên trai tráng nơi đây có người cũng bỏ lên thành phố để tìm kiếm những công việc khác ổn định hơn, nhưng những con người tâm huyết ở đây vẫn bám nghề vì là nghề lâu đời từ cha ông và cũng phù hợp với vùng quê miền biển.

“Đời ông cho đến đời cha
Có một xe cát xe ra xe vào”

Ngày ngày gắn bó với công việc ruộng đồng, những người dân ở đây rất chất phác hiền lành. Chính nắng gió khắc nghiệt đã tạo nên cho họ một làm da khỏe mạnh, sức khỏe tốt và ý chí kiên cường. Công việc tuy rất vất vả mà không phải ai cũng có thể làm được nhưng khi về với ruộng muối, nhìn thấy những em bé làm việc một cách thuần thục thì không ai có thể không ngưỡng mộ.

Trải nghiệm tham quan đồng muối

Ruong muoi Bach Long

Không chỉ đẹp vì truyền thống và con người cùng nghề muối, nơi đây còn đẹp vì quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp, gần gũi, nhiều nắng gió của vùng quê miền biển, thích hợp cho tận hưởng không khí trong lành và những bức hình mùa hè đẹp lung linh.
Hình ảnh những ruộng muối, xe muối, thuyền muối trắng xóa cùng với hình ảnh những người con mặn mòi của biển cần cù hăng say với thành quả lao động của mình luôn gây ấn tượng với mỗi con người chúng ta khi đến đây, khiến chúng ta trân trọng người dân cũng như trân trọng hơn từng hạt muối mà mình ăn hằng ngày.
Ở Nam Định có rất nhiều làng nghề, địa phương với truyền thống độc đáo, cho thu nhập, tạo nên bản sắc văn hóa cho vùng. Đặc biệt ở Bạch Long nơi đây, muối được coi là biểu tượng của nguồn sống, là thứ không thể thiếu được.
Bên cạnh làng muối; trong chuyến du lịch sinh thái ở nơi đây bạn còn có thể ghé thăm những bãi biển đẹp nơi đây, đến với chợ cá chiều ngay trên bờ biển sau khi ngư dân đánh bắt một ngày dài,.. khung cảnh nhộn nhịp mua bán những loại hải sản còn tươi ngon với giá rất rẻ, ghé thăm nhà những người dân giản dị cởi mở nơi đây để cùng họ trải nghiệm một ngày thư giãn với đồng quê,…

Đồng muối Bạch Long cũng rất nổi tiếng với du khách trong và ngoài tỉnh. Những nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng thường xuyên ghé thăm nơi đây để có thể bắt được những khoảnh khắc tuyệt vời toát lên vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động. Nơi đây cũng nhiều lần xuất hiện trên truyền hình với những chương trình S Việt Nam, Việt Nam discovery,…

Và điều cuối cùng, trăm nghe không bằng một thấy. Nếu bạn ấn tượng với vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây thì còn chần chừ gì nữa, cùng Ecohost xách balo lên và về Nam Định ngay thôi !!