Nằm giữa những làng quê yên bình của mảnh đất thành Nam, làng Rạch, xã Hồng Quang, Huyện Trực Ninh, Nam Định được biết đến là một trong những phường rối nổi tiếng và lâu đời nhất cả nước. Với lịch sử phát triển qua nhiều đời, nơi đây luôn chứa những điều thú vị cho mỗi chúng ta đến và trải nghiệm. Nếu bạn là người có tình yêu với văn hóa dân tộc, muốn được nghe kể về lịch sử phát triển nghề rối nước, được tự tham gia vào các công đoạn sản xuất và biểu diễn rối,…thì đây là địa điểm tuyệt vời dành cho bạn trong chuyến du lịch Nam Định của mình và gia đình.
Giới thiệu làng nghề
Có thể nói nghệ thuật rối nước là loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, đây không chỉ là một môn nghệ thuật biểu diễn đơn thuần mà còn thể hiện khả năng tìm tòi, sáng tạo của ông cha ta từ xưa tới nay. Ra đời từ nhiều thế kỉ trước ở vùng châu thổ sông Hồng, loại hình này ngày càng phát triển và trở thành nét văn hóa đặc trưng thấm vào tâm hồn của mỗi người dân nơi đây. Phường rối làng Rạch ( hay còn gọi là Bàn Thạch) cũng ra đời và phát triển từ đó dưới cái tên phường rối nước Nam Chấn
Nguồn gốc của làng nghề là từ thời xa xưa, làng Rạch nổi tiếng với nghề sơn mài và tạc tượng cho đền chùa. Cùng với văn hóa nông nghiệp lúa nước, những người nông dân nơi đây đã sáng tạo ra những con trò ngộ nghĩnh mang đầy tính sáng tạo và tâm hồn đồng quê.
Tự bỏ của, bỏ công, tự mình tạo ra và trang trí, người dân đã tự nghĩ ra cách điều khiển và sau đó diễn theo những tích diễn mang giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Thế rồi, nghệ thuật rối nước làng Rạch đã trải qua hơn 7,8 đời cha truyền con nối, vượt qua khỏi lũy tre làng, được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi trong nước và quốc tế ( Nhật, Pháp, Thụy Điển, các nước Tây u,…), được nhân dân yêu thích, trân trọng, tạo nên một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo của quê hương và dân tộc.
Múa rối thường được biểu diễn thành các tích trò, mỗi tích từ 10-15 phút. Không gian biểu diễn thường là những nơi rộng lớn có nước như ao, hồ của làng ( sau này làng cho xây thủy đình để biểu diễn rối nước trong những dịp lễ hội lớn). Ngoài ra rối còn có thể được biểu diễn trong những bể nước di động nhằm thuận tiện hơn cho quá trình lưu ở nhiều nơi khác nhau. Khi biểu diễn người nghệ nhân phải đứng ở dưới nước, dùng tay điều khiển các con rối qua những chiếc cán tre, phải vừa khỏe mạnh, vừa khéo léo và kết hợp với âm nhạc tạo nên những vở diễn ấn tượng không thể nào quên.
Múa rối nước làng Rạch có truyền thống mấy trăm năm được các dòng họ Phan, Đặng đời đời truyền giữ và phát triển. Phường rối làng Rạch hiện có khoảng 1.000 con trò từ xưa truyền lại, với hơn 40 tích trò cổ như: câu cá, đánh đu, tễu rúc ống, bắt vịt, đốt pháo, mở cờ, các nàng tiên ca múa… Trong những năm gần đây các nghệ nhân còn sáng tác thêm các tích trò mới như: tích trò Trưng Trắc – Trưng Nhị, tích Trần Hưng Đạo 3 lần đại phá quân Nguyên, Khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đồn bốt, bắn máy bay, bắt giặc lái….. Mỗi thời kỳ đều được các nghệ nhân sáng tác ra các tích trò khác nhau nhằm tái hiện những giờ phút lịch sử huy hoàng, những chiến thắng oai hùng của dân tộc.
Những trải nghiệm thú vị khi đến với làng nghề
Thăm thủy đình của làng
Nơi đâu tiên mà chúng ta có thể đến thăm khi tới với làng nghề đó là thủy đình của làng, nơi dùng để biểu diễn rối nước của làng trong các dịp lễ lớn từ xưa tới nay. Bên cạnh đó là nhà kho nơi lưu giữ những con rối cổ của làng với nhiều hình dạng độc đáo khác nhau.
Nằm ngay đó, đối diện với thủy đình là đình làng, nơi thờ ông tổ của làng rối, cùng với đó trưng bày chiếc kiệu bát cống mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn của ông tổ làng từ lâu đời, được bảo tàng tỉnh thương lượng để mang về trưng bày nhưng làng vẫn không bán.
Ngoài ra còn có giếng cổ của làng hơn 100 tuổi( theo lời kể của cụ ông trông coi đình) và vẫn còn 3 chú rùa sống dưới đó từ rất lâu rồi. Cụ ông và cụ bà ở đây rất thân thiện, nhiệt tình, luôn sẵn sàng trò chuyện và kể chuyện về nghề rối, về làng nghề và còn có thể tặng lộc lễ làm quà cho chúng ta nữa..
Ghé thăm nhà các nghệ nhân
Một điều không thể thiếu khi đến với làng Rạch đó là chúng ta phải ghé thăm nhà của các nghệ nhân lão luyện trong nghề rối. Vì những nghệ nhân ở đây đều có thâm niên với nghề rối lâu năm, gắn bó sâu sắc với làng nghề, tự mình làm rối, tự mình trang trí và biểu diễn rối nên sẽ có rất nhiều điều thú vị chia sẻ cho chúng ta.
Bác Phan Văn Mạnh là một trong những nghệ nhân nổi tiếng bậc nhất của làng, người thành lập đoàn múa rối tư nhân Sông Quê. Đến nhà bác, chúng ta sẽ được nghe chia sẻ về lịch sử 7 đời của làng rối, những khó khăn và sự chịu khó của các cụ ngày xưa, không có đủ nguyên liệu và dụng cụ làm rối hiện đại như ngày nay,… những câu chuyện về truyền thống làm nghề rối của gia đình mình hay những chuyến lưu diễn ở Hà Nội cũng như nhiều nơi trên thế giới của bác cũng là những câu chuyện thú vị mà không thể bắt gặp ở đâu khác.
Bên cạnh đó bác chia sẻ thêm cho đoàn về các công đoạn làm rối nước, kì công và rất vất vả, cũng như chất liệu và cách thức làm rối. Để điều khiển những con rối trong khi biểu diễn cũng không đơn giản. Muốn diễn được rối hay cũng phải tôi luyện, phải làm nhiều thì tay mới quen. Vì phải diễn trên mặt nước nên không được lộ sào, lộ dây,. Những tiết mục múa rối chủ yếu dựa theo những tích truyện dân gian và phải diễn làm sao sống động y như thật.. Khi nhạc nổi lên thì các nhịp của con rối phải thật khớp, không để kẹt dây hoặc các con rối vướng vào nhau, nếu không tính hấp dẫn của các tiết mục sẽ giảm đi rất nhiều…
Thưởng thức những tiết mục múa rối đặc sắc
Thêm một điều thú vị nữa khi đến đây là các bạn sẽ được xem tận mắt những tiết mục múa rối kinh điển một thời được bác Mạnh biểu diễn ngay tại nhà mình. Những tiết mục như chú tễu, múa phượng, múa song long, trọi trâu,…đều sẽ mang đến cảm giác mới lạ cho mỗi chúng ta.
Sau đó, chúng ta sẽ được học cách cầm và điều khiển con rối cũng như thử cảm giác tự mình điều khiển để biểu diễn những tiết mục cho riêng mình.
Trải nghiệm các công đoạn làm và trang trí những con rối
Ngoài thưởng thức các tiết mục rối ra thì chúng ta còn được tìm hiểu những công đoạn để tạo ra những con rối, sau đó được tự mình tô màu, tự mình trang trí những sản phẩm theo ý thích riêng của mình.
Gia đình nhà bác Mạnh không chỉ làm những con rối để phục vụ cho biểu diễn mà còn để làm quà lưu niệm nữa. Vì thế nên chúng ta hoàn toàn có thể chọn mua những mô hình con rối nhỏ xinh cho riêng mình để làm quà cho người thân và gia đình sau một ngày trải nghiệm thực sự thú vị.
Có thể nói múa rối nước của nhân dân thôn Rạch, xã Hồng Quang, không chỉ là môn nghệ thuật dân gian truyền thống, ra đời không chỉ để phục vụ đời sống sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân mọi miền, trong và ngoài nước.
Mỗi con trò lại là một kiệt tác của tạo hình, với nhiều kiểu dáng, màu sắc thể hiện sự tươi tắn, ngộ nghĩnh, tính hài và tính tượng trưng cao. Các tích trò của phường rối nước Bàn Thạch phản ánh sinh động cuộc sống, có nội dung sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống, tương thân, tương ái, mang ý nghĩa nhân văn.
Và điều tuyệt vời nhất là khi được về với mảnh đất thành Nam giàu truyền thống lịch sử, được tìm hiểu và trải nghiệm một nét văn hóa quý báu của dân tộc, tận hưởng không khí yên ả thanh bình nơi làng quê và có những món quà xinh xắn cho riêng mình,.. Đó thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ mà mỗi chúng ta đều mong muốn trong chuyến du lịch sinh thái của mình.