Nam Định luôn được biết đến là mảnh đất giàu truyền thống và văn hóa với nền ẩm thực phong phú đa dạng, những di tích nổi tiếng như Đền Trần, Phủ Giầy,…, những nhà thờ đẹp bậc nhất, những làng nghề truyền thống độc đáo,…và có một làng nghề đặc biệt mà nhắc đến kèn đồng thì người dân trong và ngoài tỉnh đều biết đến với một sự ngưỡng mộ, đó là làng kèn đồng Phạm Pháo. Đây là điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình khám phá đồng quê Nam Định của bạn và gia đình.
Nguồn gốc cái tên “Phạm Pháo” và truyền thống của làng
Phạm Pháo là một làng quê thuần nông trước đây, nằm ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Cái tên của làng xuất phát từ một nguyên do khá thú vị, đó là vì trong số bốn dòng họ đi khai hoang mảnh đất Hải Hậu năm xưa thì dòng họ Phạm chiếm đông dân số nhất, hơn nữa thế đất của làng khi nhìn từ trên cao xuống giống hệt hình cỗ pháo khổng lồ nên cái tên Phạm Pháo không biết đã được lấy làm tên làng tự bao giờ.
Nam Định là nơi có truyền thống đạo Công Giáo hàng đầu cả nước vì là một trong những địa phương đầu tiên mà tôn giáo này được truyền bá vào Việt Nam. Mà kèn đồng là loại nhạc cụ phổ biến và luôn luôn xuất hiện trong nhiều nghi lễ tôn giáo. Thế nên những chiếc kèn luôn gắn liền với lịch sử phát triển của tôn giáo tại miền quê này
Trong đó làng Phạm Pháo là tiêu biểu nhất trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống sản xuất, chơi kèn và thậm chí sửa kèn một cách thủ công và độc đáo. Từ đầu thế kỷ 16 đạo công giáo được du nhập vào đây và ngôi nhà thờ Phạm Pháo được xây dựng năm 1908. Những chiếc kèn Tây bằng đồng được du nhập kể từ đó và công việc thổi kèn Tây này được duy trì, không chỉ phục vụ trong nghi thức tôn giáo, mà còn hòa niềm vui của cả đạo và đời.
Ban đầu để biểu diễn trong các dàn nhạc, những chiếc kèn đồng đều phải mua từ nước ngoài, nhưng trong quá trình sử dụng lâu ngày cũng có chiếc bị hư hỏng, phải mất nhiều thời gian, công sức gửi lên Hà Nội hoặc nước ngoài để sửa. Chính vì thế mà người dân nơi đây đã cố gắng học cách tự sửa chữa những cây kèn của mình và dần dần tiến thêm một bước học kĩ thuật gia công và sản xuất kèn, truyền từ đời này qua đời khác dẫn đến hình thành làng kèn đồng như hiện nay.
Những điểm độc đáo của xứ kèn đồng mà không nơi đâu có được
Vì phát triển gắn liền với tôn giáo nên việc làm kèn và phát triển nghề kèn ở đây diễn ra rất tự nhiên. Điểm khác biệt của làng so với những làng nghề thông thường đó là chính những người dân vừa là người nghệ nhân, vừa là những nhạc công điêu luyện.
Điều làm nên thương hiệu cho làng nghề đó là những người thợ chỉ nhập nguyên liệu thô về rồi sau đó tự gia công tự sản xuất từng chi tiết. Hầu hết các công đoạn đều được làm thủ công mà không cần đến các thiết bị máy móc hiện đại, ngay cả công đoạn đánh bóng, tạo âm cũng đều được làm bằng tay.
Trong hầu hết loại kèn, người thợ làng Phạm Pháo chỉ cần đến chiếc máy cán đồng, máy hàn và máy tiện nhỏ là có thể làm được những loại kèn chất lượng cao một thời vốn phải du nhập từ phương Tây, trong khi giá thì rẻ hơn rất nhiều. Những chiếc kèn ở đây không những chỉ để cung cấp cho người trong làng, mà con ở mọi nơi khắp Nam Bắc, nhất là những vùng quê theo đạo Công Giáo lân cận.
Tại Phạm Pháo, người dân cực kì mê âm nhạc, mê kèn. Từ trẻ con đến người lớn tuổi, ai cũng xem kèn Tây là món ăn tinh thần không thể thiếu. Chả thế mà ngay từ bé, trẻ con Phạm Pháo đã được làm quen với kèn và còn được bố mẹ bỏ tiền mua kèn cho để luyện tập. Thanh niên ở Phạm Pháo được học nhạc kèn từ sớm, nhờ vậy mà hầu như nhà nào cũng có người biết nhạc lý và chơi kèn Tây thành thạo.
Tuy hằng ngày, người Phạm Pháo là những nông dân một nắng hai sương nhưng mỗi khi có lễ, hội trong xứ đạo thì những người nông dân chân lấm tay bùn ấy lại hóa thân thành những nghệ sĩ kèn Tây và chơi kèn điêu luyện không thua gì những đội kèn chuyên nghiệp.
Ở nơi đây hầu như mỗi giáo xứ Công giáo đều có một hội kèn riêng với thành viên đa dạng từ già tới trẻ, từ nam đến nữ…với nhiều loại kèn khác nhau. Vào những lễ hội tôn giáo lớn của vùng thì những hội kèn này lại quy tụ lại với nhau, tạo thành một hội kèn lớn với số lượng nhạc công từ vài trăm đến hàng nghìn người, cùng nhau tạo nên những bản nhạc sôi động chưa từng có mà không đâu có được.
Không những dùng kèn để thực hiện các nghi lễ, kèn còn được người dân sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày với những bản nhạc đồng quê du dương, ca ngợi quê hương đất nước, thể hiện sự hiền hòa, yêu đời của những tâm hồn nơi thôn quê bình dị.
Tham quan làng Phạm Pháo và gặp gỡ những nghệ nhân trong làng
Với những điều độc đáo thú vị trên thì sẽ thật tuyệt vời nếu mỗi chúng ta được một lần đến trải nghiệm và khám phá mảnh đất, con người nơi đây.
Đến nhà các nghệ nhân làm kèn nổi tiếng
Một trong những nghệ nhân lành nghề nhất của làng là bác Nguyễn Văn Cường, hiện là chủ của hiệu kèn Nguyễn Cường. Khi đến đây, chúng ta sẽ được gặp gỡ người nghệ nhân đáng kính này, đồng thời nghe bác chia sẻ về nguồn gốc của làng nghề, những khó khăn, sự kì công hàng tháng trời trong quá trình sản xuất kèn, những thú vị của làng nghề và niềm đam mê với những cây kèn đẹp mắt.
Đến đây chúng ta còn được tham quan xưởng sản xuất với những cây kèn lớn nhỏ các loại từ Clarinet, Saxophones, Trumpet, Alto Saxophones, Trombone, Baritone, Bass, Tubas… Đây đều là những loại kèn trước kia phải mua ở nước ngoài như Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Nhật Bản.
Ngoài ra tại xưởng sản xuất cũng như là nhà của bác Cường, chúng ta còn được nghe bác biểu diễn những đoạn nhạc nổi tiếng một thời với những loại kèn khác nhau. Bác rất vui tính và nhiệt tình, sẵn sàng cho chúng ta được cầm tận tay và thổi thử những chiếc kèn dưới sự hướng dẫn của bác, thật là một trải nghiệm tuyệt vời khó quên.
Những điểm đến thú vị khác.
Ngoài ra, khi đến thăm làng Phạm Pháo, chúng ta còn có thể ghé qua những điểm đến nổi tiếng khác gần đó. Đầu tiên là nhà thờ Phạm Pháo. Nhà thờ được xây dựng từ 1905 và đã trải qua trùng tu vào năm 2002 nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính độc đáo, mang những giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của người dân vùng quê
Một điểm đến nữa cũng không kém thú vị đó là cây cầu ngói Hải Anh, là một trong 3 cây cầu ngói đẹp nhất Việt Nam. Cây cầu được làm bằng gỗ và có kiến trúc độc đáo, rất giống chùa cầu của phố cổ Hội An, đáng để bạn ghé thăm và chụp những bức ảnh đẹp đúng không nào !
Có thể nói cái tên” Phạm Pháo” tuy nghe mạnh mẽ, cuồng nhiệt nhưng người dân nơi đây lại rất bình dị, hiền hòa, cởi mở, có tình yêu đời, yêu âm nhạc, và đặc biệt yêu thích kèn đồng. Một ngày đẹp trời được ghé thăm nơi đây, được ngồi trên những chiếc xe đạp gắn bó với tuổi thơ dạo quanh làng quê yên bình, khám phá những nét độc đáo của làng nghề làm kèn, gặp gỡ những con người nơi đây và trải nghiệm thứ nhạc cụ được yêu thích nhất của miền quê… thật sự là những điều thú vị mà chúng ta không hề muốn bỏ lỡ trong chuyến du lịch sinh thái đồng quê Nam Định cùng với gia đình mình. Hãy cùng Ecohost về làng kèn Phạm Pháo ngay thôi !